1. Đặc điểm chung
Hạ Trung là một xã vùng sâu của huyện Bá Thước, cách trung tâm huyện khoảng 11,8 km về phía đông Bắc, cách thành phố thanh hóa khoảng 120 km về phía Tây, thuộc vùng trung lưu sông Mã. Phía bắc trải dài gần 10 km giáp với xã tự do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, phía Nam giáp với xã Tân Lập và Ái Thượng, phía Đông giáp với xã Lương Nội và Lương Ngoại, Phía Tây giáp với xã Ban Công, xã cổ Lũng cùng huyện
Là một xã vùng sâu của huyện, tính theo đường chim bay từ xã tân lập vào đến làng Khiêng giáp với xã lương Nội có chiều dài khoảng 10 km, xã Hạ Trung có tổng diện tích tự nhiên 3.724,64 ha, có 831 hộ với 3.534 nhân khẩu, dân cư chia thành 8 thôn gồm: Thôn Chiềng Ai, Thôn Cò Mu, Thôn Cò Con, Thôn Cộn, Thôn Man, Thôn Tré, Thôn Môn, Thôn Khiêng
Nhân dân Xã Hạ Trung cần cù trong lao động sản xuất, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới, giầu đẹp.
Hệ thống chính trị luôn phát huy và thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện và tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở địa phương và quy ước của làng.
Hiện nay, xã Hạ Trung có 3/3 trường học đạt chuẩn văn hóa. Có 7/8 làng được công nhận làng văn hóa, Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn I, Trường mầm non đạt chuẩn văn hóa và đang xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Trường THCS đạt chuẩn văn hóa năm 2012. Xã có 11 chi bộ đảng với tổng số Đảng viên là 168 (Trong đó có 8 chi bộ cơ sở 3 chi bộ ngành).
2. Truyền thống Lịch sử - Văn hóa - Danh lam thắng cảnh.
Cùng với sự phát triển của đất nước, trong những năm qua tình hình xã hội xã Hạ Trung ổn định, và từng bước phát triển. Người dân trong xã chủ yếu là người dân tộc Mường, luôn đoàn kết hăng hái thi đua lao động sản xuất. Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Dân cư sống rải rác không được tập chung, số hộ nghèo giảm đáng kể.
Để thúc đẩy nhanh và phát triển mạnh mẽ các điều kiện xã hội trên địa bàn xã Hạ Trung, Đảng uỷ- UBND và các ban ngành chú trọng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và của địa phương gắn với các hoạt động văn hoá mà cụ thể là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phong trào “chung tay xây dựng nông thôn mới” đưa ra các chính sách phát triển xã hội trong toàn xã nhằm nâng cao đời sống xã hội của nhân dân, mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế trong toàn xã.
a) Truyền thống văn hóa:
Nguười mường Hạ Trung thuộc nhóm Mường Trong (Mường Thanh Hóa) người mường là người việt cổ có đặc điểm riêng về tiếng nói, ăn mặc, phong tục tập quán, người mường đã định cư với nghề làm lúa nước từ lâu đời và tục ngữ dân gian có câu.
…….Nơi trũng làm ruộng
Nơi bằng làm nương
Nơi dốc làm nhà mà ở.
Người Hạ trung Mường Ai nổi tiếng khéo léo trong ăn nói, tính tình nhẹ nhàng tình cảm, song cũng rất sắc sảo trong hát giao duyên đối đáp.
“Xường Mường Ai đứt quai Mường Ống”
Lời hát xường của Mường Ai sắc bén đến mức làm cho gánh xường của mường Ống đứt cả dây quang gánh giữa đường, không đi đến nơi không về đến chốn.
Các cô gái mường ai cất tiếng hát Xường lên ‘cá dưới sông xuối quyên bơi, Hoẵng, Nai trên rừng quyên ăn cỏ…” Văn học dân gian có đủ cả hệ thống từ truyện thần thoại, truyện cổ tích, đến ca dao, tục ngữ, giai thoại văn học, nổi bật của văn hóa dân gian mường là Mo Mường sử thi “Đẻ đất, để nước”, hát xường, hát ru, truyện thơ, truyền thuyết dân gian “Nàng Ờm, Nàng Nga”, múa pôôn pông, cồng chiêng, sắc bùa hội lễ… luôn được lưu truyền trong đân gian, trong các làng, xóm ở địa phương.
Các ngày lễ, tết của người Mường vẫn luôn được duy trì, thể hiện nhất như tết nguyên đán, thờ cúng gia tiên, cầu xin ông bà gia tiên phù hộ, độ trì bước sang một năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, hằng năm vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, tất cả các làng mổ thịt lợn, gà để cúng thần thủ công để cầu mong cho mùa màng tươi tốt bội thu ( gọi là cúng rửa lá lúa)…
Từ năm 2005, hằng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, xã Hạ Trung lại tổ chức lễ hội mái đá điều, nhằm ghi nhớ lịch sử cha ông cách đây hàng vặn năm đã sinh cư, lập nghiệp, tạo dựng lên cuộc sống cho người mường Ai và đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người mường Ai.
Người Hạ Trung làm nghề thủ công là chủ yếu là đan lát, nghề mộc, đối với nam giới nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt lụa, dệt thổ cẩm đối với phụ nữ trong các bản mường, đặc biệt phụ nữ mường có đôi bàn tay khéo léo luôn chăm chút làm đẹp cho đời, dệt thêu nên những cặp váy thổ cẩm, có hoa văn tinh sảo theo họa tiết riêng của dân tộc mình. Việc ăn mặc, trang điểm cũng đã làm cho phụ nữ dân tộc mường nói chung, phụ nữ mường Hạ Trung nói riêng duyên dáng, thon thả, dịu dàng, nét nổi bật của tính cách cộng đồng người mường là chân thật, cởi mở, thoáng đạt, khiêm tốn, nhường nhịn và nhân ái, trong sáng, thủy chung.
b) Lễ hội truyền thống: Lễ hội Mái Đá Điều:
- Quá trình ra đời: Từ năm 2005, hằng năm vào rằm tháng giêng âm lịch, xã Hạ Trung lại tổ chức lễ hội mái đá điều, nhằm ghi nhớ lịch sử cha ông cách đây hàng vặn năm đã sinh cư, lập nghiệp, tạo dựng lên cuộc sống cho người mường Ai và đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người mường Ai. Xã Hạ trung tổ chức lễ hội gồm có 2 phần đó là phần lễ và phần hội.
+ Phần lễ:
Trước ngày lễ hội, dân làng đó chuẩn bị sẵn các lễ vật để dâng tế thần linh gồm xôi, gà, thủ lợn và nhiều các lễ vật khác. Số lễ vật này biện ra thành nhiều mâm lễ để cúng tế.
Trong ngày chính lễ là lễ dâng hương. Sau lời khai mạc của trưởng Ban tổ chức – Phó Chủ tịch UBND xã. Đầu tiên lên thắp hương là đoàn lãnh đạo huyện, xã, sau đó là nhân dân các thôn lần lượt lên thắp hương.
+ Phần hội:
Phần hội tổ chức các môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn và văn nghệ, hội trại. Sau khi lễ dâng hương song tổ chức thi đấu các môn thể thao như trên.
Cùng với các trò chơi trò diễn. Trong hội, trai gái trong làng và con em của làng đang làm ăn công tác từ khắp mọi miền tổ quốc đều về dự hội đông vui. Họ đi hội vừa là để tưởng nhớ, tri ân công đức các vị thần và đây cũng là dịp để nam nữ tìm hiểu nhau, cầu duyên cầu phúc. Các ông già bà lão trong làng cũng đến nơi đây để cùng nhau ôn kỷ niệm rồi lòng tự dặn lòng với niềm thủy chung son sắt, cùng cháu con xây đắp quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Lễ hội truyền thống để lại cho chúng ta giá trị văn hoá phi vật thể và các giá trị khác về thiên nhiên, xã hội, con người nơi đây. Lễ hội thể hiện đạo lý “ uống nước nhớ nguồn”, “ ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân xã Hạ Trung nói riêng đối với các vị thần và những người anh hùng lập nên chiến công hiển hách và đã ngã xuống vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của mọi người. Lễ hội vừa là sự tri ân đồng thời cũng là để tôn vinh các vị thần và những người anh hùng để người dân trên mảnh đất Hạ Trung và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ noi gương, học tập./.